TIN TỨC TIN TỨC

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quận Đống Đa: Nơi ghi dấu những kỷ niệm giản dị và thiêng liêng về Bác
Ngày đăng 28/10/2024 | 13:30  | Lượt xem: 67

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên không chỉ là một địa điểm để tưởng nhớ, mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm quý báu của cán bộ và nhân dân với Bác kính yêu.

 

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên, quận Đống Đa được khởi công xây dựng vào ngày 19-5-1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên, quận Đống Đa được khởi công xây dựng

vào ngày 19-5-1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác

Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên có địa chỉ tại nhà B8, khu tập thể Kim Liên, phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Công trình có ý nghĩa đặc biệt này tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi, khang trang, xung quanh có tường bao tạo nên không gian tôn nghiêm, tĩnh lặng.
Phía trước có cổng vào, bên trong được bố trí các công trình như: nhà bảo vệ, tượng đài Bác Hồ, nhà lưu niệm và khoảng sân rộng với các hàng cây xanh. Trung tâm của khu di tích là tượng đài Bác Hồ phía sau là nhà lưu niệm được thiết kế theo phong cách truyền thống. Bên trong di tích trưng bày một số bức ảnh ghi lại sự kiện những lần Bác Hồ về thăm nhân dân phường Kim Liên. Gian giữa đặt một ban thờ nhỏ để nhân dân đến thắp hương, kính lễ.

Đã từ lâu, khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong phường, là địa chỉ đỏ cho những giờ học ngoại khóa của học sinh, sinh viên trên địa bàn quận Đống Đa và thành phố Hà Nội.

Lễ khánh thành công trình bản đồ số địa chỉ đỏ "Nhà lưu niệm Bác Hồ" tại khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Kim Liên

Lễ khánh thành công trình bản đồ số địa chỉ đỏ "Nhà lưu niệm Bác Hồ" tại khu lưu niệm

Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Kim Liên

Dịp đầu năm 2024, tại khu lưu niệm đã diễn ra lễ khánh thành công trình bản đồ số địa chỉ đỏ "Nhà lưu niệm Bác Hồ". Đây là những tư liệu quý góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng Đoàn viên, thanh niên nói riêng và nhân dân Thủ đô nói chung; phát huy lòng tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ghi nhớ công lao và tinh thần chiến đấu, hy sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc, của thế hệ cha anh đi trước; khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.

Là một trong 21 phường của quận Đống Đa, Kim Liên là đơn vị đô thị hóa sớm nhất thành phố, là nơi hình thành khu tập thể cao tầng đầu tiên ở Thủ đô. Đặc biệt, nơi đây còn ghi dấu lại những kỷ niệm đẹp về chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần vinh dự được đón Người về thăm.

Lần thăm đầu tiên, ngày 6-6-1960, thời điểm công trường xây dựng khu tập thể Kim Liên mới bắt đầu khởi công. Khi đó, Bác đến thăm các chuyên gia Triều Tiên, cán bộ công nhân viên Việt Nam và kiểm tra chất lượng, tiến độ thi công trên công trường. Người căn dặn anh chị em công nhân: “Phải giúp đỡ nhau thi đua để cùng nhau tiến bộ. Trong thi đua phải chú ý tiết kiệm nguyên vật liệu, phải bảo đảm kỹ thuật xây dựng, tăng năng suất lao động và hạ giá thành. Mọi người cần đoàn kết chặt chẽ với nhau, cùng phấn đấu thực hiện cho tốt, cho đúng kế hoạch Nhà nước đã đề ra. Đây là một công trường xây dựng đầu tiên của ta bằng cần cẩu tháp, cho nên cán bộ và công nhân phải học tập các đồng chí Chuyên gia và học tập ngay những kinh nghiệm xây lắp trong thực tế để sau này có thể tự xây lắp nhiều khu nhà ở khác”.

Gần 3 năm sau, vào sáng ngày 17-3-1963, Bác Hồ trở lại phường Kim Liên. Lần này, Bác dành nhiều thời gian thăm khu nhà ăn tập thể phục vụ cán bộ công nhân viên, thăm một số gia đình ở nhà B8, B5 và nói chuyện với đông đảo cán bộ nhân dân tại khoảng sân rộng trước nhà B8. Bác đã có những lời căn dặn sâu sắc như: “Kim Liên là hoa sen vàng, đã là hoa sen thì phải thơm, thơm mãi và thơm thật xa. Phải làm sao ngày càng có nhiều lời khen và ít tiếng chê...”. Những câu nói đó vẫn in sâu trong tâm trí và trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của cán bộ, Đảng viên và nhân dân trên địa bàn phường.

Mùa hè năm 1965, khu tập thể Kim Liên lại một lần nữa vinh dự được đón Bác Hồ ghé thăm. Lần này, Bác vào thăm một số gia đình ở nhà C5 và B8. Sau khi tham quan một số căn hộ, Bác Hồ đã nhấn mạnh với đồng chí phụ trách xây dựng rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo sự tiện nghi cho người dân. Bác còn lưu ý phải có cả chỗ phơi quần áo. Đồng thời, Bác cũng căn dặn bà con trong khu tập thể cần đoàn kết để cùng nhau xây dựng Kim Liên thành một khu tập thể văn minh, sạch đẹp, với nhà ở thoáng mát và sân vườn đầy hoa.

Sự quan tâm của Bác đối với đời sống của nhân dân và sự phát triển của khu tập thể Kim Liên đã trở thành động lực để người dân nơi đây quyết định xây dựng một khu lưu niệm nhằm tưởng nhớ Bác Hồ. Ngày 19-5-1990, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, khu lưu niệm chính thức được khởi công xây dựng. Cũng tại đây, ngày 14-5-1993 đã diễn ra cuộc hội thảo “Bác Hồ với Kim Liên - Kim Liên với Bác Hồ” và lễ kết nghĩa giữa phường Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) với xã Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).

Năm 1999, UBND TP Hà Nội đã quyết định công nhận di tích “Địa điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cán bộ, nhân dân Kim Liên” đồng thời UBND quận Đống Đa cũng ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp khu lưu niệm Bác Hồ. Công trình được khánh thành ngày 9-10-1999 bảo đảm mỹ quan, khang trang, sạch đẹp tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc bảo quản, lưu trữ hình ảnh, hiện vật về “Bác Hồ với Kim Liên - Kim Liên với Bác Hồ”.

Năm 2003 phường Kim Liên đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ về thăm và 10 năm kết nghĩa với xã Kim Liên, quê Bác.

Hàng năm, vào những ngày lễ lớn của dân tộc và ngày sinh nhật Bác, các cơ quan, đoàn thể, trường học và bà con nhân dân trong khu tập thể Kim Liên lại đến đây dâng nén hương thơm tri ân, thành kính lên vị lãnh tụ vĩ đại và kính yêu của dân tộc. Đây là hoạt động thường niên nhằm giáo dục cho thế hệ về tấm gương đạo đức của Người, tạo thêm động lực trong học tập, lao động, sáng tạo nhằm xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh như tâm nguyện của Người.

(Theo https://www.anninhthudo.vn/)