TIN TỨC - SỰ KIỆN TIN TỨC - SỰ KIỆN

Trong 2 ngày 10 và 11/11 UBND phường, Ban QLDT phường Láng Thượng tổ chức Lễ Kỵ Thánh 26/9 Mậu Ngọ 1138  - Canh Tý 2020 tại Chùa Láng
Ngày đăng 11/11/2020 | 13:34  | Lượt xem: 996

Tích xưa kể rằng: “Chùa Láng được xây dựng vào thế kỷ thứ XII, thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 đến năm 1175), còn có tên gọi là Chùa Cả, tên chữ Hán là Chiêu Thiền Tự. Lý giải của tên chữ này được thể hiện ngay trong văn bia “Tạo lệ”  niên đại Thịnh Đức thứ 4 (năm 1656), được lược dịnh “Vì có những điều tốt đẹp nên gọi là Chiêu, là nơi sinh ra Thiền sư Đại Thánh nên gọi là Thiền”.
Khi nhắc đến Chùa Láng, văn bia dưới thời Lê Trung Hưng (1656) còn lưu đoạn ca ngợi cảnh chùa:
“Thật là danh lam bậc nhất thế gian
Không chùa nào sánh kịp
Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp
Dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng
Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về
Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”
Quả thực, khuôn viên kiến trúc ngôi Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo lối “nội công, ngoại quốc”, tính ra vừa đủ 100 gian. Cổng ngoài cùng phía trước Chùa chính được gọi là cửa Tam Thiền (hay còn gọi là cửa Tam Triều), có voi phục hai bên. Tiến sâu vào trong là Lầu Bát Giác hay còn gọi là nhà Bảo Cái. Đây là giá trị kiến trúc nổi bật của ngôi chùa cổ cũng là nơi đặt Kiệu Thánh vào trước ngày hội.
Nhà Bao Cái nằm giữa sân chùa với mái chồng, hai tầng, 16 mái được lợp ngói vẩy với những đầu đao cong vút uốn lượn rất thanh thoát trông rất tinh tế trong nét kiến trúc cổ xưa. Đỉnh nóc được đắp họa tiết 4 con phượng đang múa với đường nét mềm mại thể hiện sụ linh uy. Tầng mái bên trên đắp 8 rồng cuộn, biểu tượng cho 8 đời vua Lý.
Trong Chùa còn lưu giữ được 198 pho tượng lớn, nhỏ. Tọa lạc ở hậu cung là tượng vua Lý Thần Tông (1128 – 1138) ngồi trên ngai vàng và pho tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh đan bằng mây phủ sơn bên ngoài rồi tiếp đến là các pho tượng Phật. Dưới mái hành lang là hai dãy Thập điện, 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trải dài từ đời Hậu Lê đến triều Nguyễn được tạo tác từ những đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân danh tiếng. Ngoài ra Chùa Láng còn có 12 đạo sắc phong của các vua triều Lê, Tây Sơn và triều Nguyễn cùng 15 tấm bia đá, một đại hồng chung cùng nhiều hoành phi, câu đối có giá trị lịch sử cao. Theo sử sách xưa tương truyền lại, lễ hội Chùa Láng là Lễ hội lớn nhất ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa và nay. Mỗi khi sắp tới kỳ Lễ hội, dân gian lại thường nhắc nhau: Thứ nhất là hội Cổ Loa; Thứ nhì Hội Láng; Thứ ba hội Thầy. Hội Láng xưa diễn ra trong 10 ngày, từ ngày mồng 5 đến hết ngày rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, với các nghi thức Tế lễ, giải phục tu hành, mặc áo triều phục Hoàng đế cho Thiền sư Đại Thánh (Lễ Mộc Dục), Lễ rước kiệu cùng các hoạt động văn hóa bên lề như chọi gà, cờ người, đập niêu, thổi cơm thi...Nhân gian Chùa Láng lấy ngày 26/09 hàng năm để tổ chức Lễ Kỵ Thánh như một sự bày tỏ lòng tôn kính của nhân gian đối với công đức của bậc Thiền sư Đại Thánh - Từ Đạo Hạnh. Đây cũng là dịp mà nhân dân trong làng, ngoài xóm khu vực Chùa Láng và những vùng lân cận sum tụ, nêu cao tinh thần đoàn kết, góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa chốn tâm linh”.

Trần Thị Thu